"Làn gió mới" từ làng nghề quạt Chàng Sơn

14-12-2023

TTTĐ - Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) là làng nghề truyền thống nổi tiếng với những chiếc quạt tay thủ công sáng tạo và tinh xảo. Trong đời sống hiện đại, vai trò của quạt giấy đã có sự chuyển đổi từ quạt mát sang trang trí mỹ nghệ, đạo cụ nghệ thuật… và vươn ra khỏi thị trường trong nước, tiếp cận với nhiều quốc gia trên thế giới.

Nức tiếng gần 200 năm

Chiếc quạt ở Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã được gắn với rất nhiều huyền tích, trong đó nổi lên là câu chuyện ngày xưa có “hội đồng Tiên Quạt” - nhóm các tiên nữ vì lương duyên nên kết quạt để giải tâm phiền. Người dân trong làng cũng truyền miệng câu thơ:

"Tiên đồng hội quạt kết lương duyên

Duyên lương kết quạt giải tâm phiền

Phiền tâm giải quạt tay đưa gió

Gió đưa tay quạt hội đồng tiên".

 

Theo lời các bậc cao niên trong làng kể lại, nghề làm quạt giấy Chàng Sơn có gần 200 năm nay. Từ thế kỷ XIX, quạt Chàng Sơn đã nức tiếng khắp vùng.

Đến thời bao cấp, xã Chàng Sơn chuyên sản xuất quạt giấy cho Nhà nước. Nhờ đó, tinh hoa nghề truyền thống có cơ hội tỏa khắp muôn nơi. Ở giai đoạn chuyển sang cơ chế thị trường, quạt giấy nước ngoài sản xuất được nhập vào ồ ạt khiến làng nghề gặp nhiều khó khăn, bao người thợ lành nghề phải chuyển sang công việc mưu sinh khác.

Đến với Chàng Sơn, người phương xa sẽ cảm nhận được cảnh quan làng quê còn khá rõ nét với cây đa, giếng nước, thuỷ đình, mái ngói cùng vô số những dải quạt giấy được phơi dọc các ngõ nhỏ.

Khi bước vào nhà của các nghệ nhân làm quạt trong làng nghề Chàng Sơn, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào một gian hàng thủ công đầy mầu sắc, với sự góp mặt của đủ loại quạt giấy, quạt the, quạt lượt và cả quạt tranh.

Quạt Chàng Sơn dù là loại nào cũng toát lên vẻ đẹp mềm mại, quyến rũ từ những họa tiết, hình ảnh trang trí. Không chỉ có giá trị nghệ thuật mà mỗi chiếc quạt Chàng Sơn còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, bởi mỗi hình vẽ trên quạt khắc họa những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước và cả những tích truyện cổ, bài thơ, câu đối hay ghi công danh, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc.

Bởi vậy, những chiếc quạt không đơn thuần để làm mát những ngày hè, mà còn là vật chứa đựng những thông điệp sâu lắng lòng người và góp phần quảng bá văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.

Sản phẩm của nơi đây đa dạng, phong phú về kích cỡ, mẫu mã, chủng loại từ các loại bình dân như quạt the, quạt tranh trang trí, quạt dùng làm thiệp cưới, quạt lụa cho đến quạt cao cấp làm quà lưu niệm, quạt thư pháp, quạt treo tường... Tất cả đều toát lên vẻ đẹp mềm mại, quyến rũ từ những hoạ tiết, hình ảnh trang trí bắt mắt.

Chuyển mình hội nhập và phát triển

Nếu trước kia, làng quạt Chàng Sơn chỉ sản xuất những chiếc quạt giấy, quạt nan, thì nay người Chàng Sơn đã sản xuất đủ các loại thiên về tính giải trí, trưng bày hơn là dùng để tạo gió, làm mát.

Để có được một chiếc quạt ưng ý, nghệ nhân phải bỏ rất nhiều công sức chọn lựa từng ống tre làm nan, từng sợi mây để làm viền và từng thếp giấy để làm cánh.

Nguyên liệu cơ bản một chiếc quạt giấy hay quạt the đều gồm tre, giấy, vải và hồ nếp. Tre phải dẻo, già, có độ tuổi từ 3 năm trở lên, không mối mọt thì nan quạt mới bền, đẹp. Tre cắt thành ống, cạo tinh xanh, lấy dao tách cật ra, gắn sơn ta vào giữa hai thanh tre.

Sau đó, các thanh tre được bó chặt lại vài tháng, đến khi khô sơn mới vót thành nan quạt. Sợi mây phải óng, mượt, dài để khi đan không phải nối nhiều đoạn lại với nhau. Ngày trước, Chàng Sơn chủ yếu dùng giấy dó của Bắc Ninh và nhựa quả cậy để làm quạt.

Ngày nay, cả hai nguyên liệu này đều hiếm, nhất là nhựa quả cậy, thêm nữa, nhu cầu về quạt giấy dó không lớn vì giá thành cao, do đó, loại quạt này đã dần mất đi. Chỉ khi có khách hàng đặt riêng thì một số nghệ nhân có tiếng trong làng mới làm và theo họ giấy dó hiện tại cũng chỉ là loại tái sinh, không giữ được vẻ mịn màng của giấy dó nguyên chất như trước.

Thay vào đó, sản phẩm của Chàng Sơn hiện nay được sản xuất từ loại giấy Bãi Bằng để mộc hay nhuộm màu, tạo vẻ sặc sỡ, tươi vui cho những chiếc quạt xoè của lễ hội. Khi vào giấy cho nan quạt phải khéo léo, tỉ mỉ sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều, tiện cho công việc vẽ tranh.

Các bài viết liên quan

12/03/2024

Làng Chàng Sơn thuộc xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội được biết đến với danh hiệu “làng bách nghệ”, tro

01/03/2024

Quạt Phương rất tự hào khi được phối hợp với Trường Mầm Non Chàng Sơn để tổ chức trải nghiệm làm quạ

24/01/2024

Hiện nay, cả nước có khoảng trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước.